GIÁO TRÌNH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ -CHỦ BIÊN TS. NGUYỄN VĂN HÙNG
LỜI NÓI ĐẦU
Khoa học, công nghệ cao đã làm nền tảng cho sự ra đời và phát triển nền kinh tế tri thức từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao – có năng lực “tư duy toàn cầu”,”tư duy đại dương” là điều rất cần thiết. Nhân loại đang sống trong “thế giới phẳng”, quốc tế hóa, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới đang trở thành hiện thực trong cuộc sống. Chính vì vậy mà thương mại điện tử đã trở thành yếu tố cần thiết của chiến lược kinh doanh và là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế. Đồng thời, cùng với nền kinh tế toàn cầu, thị trường thương mại điện tử đã có những bước phát triển ngày càng đa dạng và rộng khắp. Hiện nay trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, với thương mại điện tử, việc kinh doanh đã khắc phục được những rào cản cả về không gian và thời gian, giúp cho hoạt động kinh doanh được tiến hành mọi lúc, mọi nơi tạo điều kiện trong trao đổi mua bán, thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng trong trao đổi mua, bán.
Trong thế giới hiện đại, khái niệm về thương mại điện tử (TMĐT) đã định hướng cho các hành vi kinh doanh mới và phát triển nhanh chóng, đáng kể hơn là chỉ được biết đơn thuần như một phương tiện thanh toán điện tử trên Internet. TMĐT đang phát triển với tốc độ theo cấp số nhân. Có một số lĩnh vực ứng dụng TMĐT như: ngân hàng điện tử, marketing trực tuyến, đào tạo trực tuyến, đại học điện tử, thư viện điện tử, chính phủ điện tử, tài liệu tự động hóa trong chuỗi cung ứng và dịch vụ, ứng dụng văn phòng trực tuyến, giỏ mua hàng trực tuyến, mua sắm và theo dõi hóa đơn hàng hóa… Tham gia một quan điểm công nghệ hướng tới mọi điều, chúng ta phải đối mặt với những tình huống như giải pháp mạng, tiêu chuẩn hóa của an ninh và truyền thông dữ liệu, giao diện, đa phương tiện, công nghệ truyền thông, các vấn đề liên quan đến internet và ngân hàng điện tử.
Để phục vụ cho sự phát triển của TMĐT chúng ta có thể trông cậy vào sự phát triển của điện thoại di động, PDA và công nghệ chuyển vùng mà phần lớn là nó độc lập với vị trí của người sử dụng. Chìa khóa thành công của các doanh nghiệp hiện đại là thay đổi và sáng tạo được đặc trưng bởi mức độ cao của sự cạnh tranh và kết quả hoạt động kinh doanh liên tục được cải thiện bằng việc xây dựng quy trình hoạt động nội bộ của họ. Xu hướng của công nghệ tiên tiến và quản lý phát triển đã dẫn đến việc mở rộng Internet như là nền sản xuất và tiêu dùng. Đây là mô hình kinh doanh được định nghĩa là “thương mại điện tử”. Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc phát triển thương mại điện tử là cắt giảm chi phí. Các doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế của mình để cắt giảm chi phí, nhằm sử dụng tối đa những thuận tiện và lợi ích do thương mại điện tử mang lại.
Giáo trình Thương mại điện tử gồm 7 chương sẽ cung cấp kiến thức tương đối toàn diện trong lĩnh vực TMĐT.
Chương 1: Tổng quan về thương mại điện tử. Trình bày tổng quan về thương mại điện tử thông qua các phương tiện công nghệ điện tử mà không cần các văn bản giấy tờ trong bất cứ công đoạn nào của quá trình giao dịch. Các ứng dụng trong thương mại điện tử và xu hướng phát triển thương mại điện tử thế giới và Việt Nam.
Chương 2: Hạ tầng kinh tế – xã hội và pháp lý của thương mại điện tử. Giới thiệu khái quát toàn bộ các nhân tố, các điều kiện kinh tế – xã hội và pháp lý cơ bản thúc đẩy sự hình thành phát triển thương mại điện tử.
Chương 3: Cơ sở hạ tầng công nghệ thương mại điện tử. Các kiến thức cơ bản về internet đặt nền tảng cho việc khai thác các dịch vụ của mạng thương mại điện tử. Giải quyết vấn đề về kết cấu của thương mại điện tử cho kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, đề cập đến hạ tầng công nghệ quan trọng của thương mại điện tử cơ sở dữ liệu nền móng của mọi hoạt động giao dịch trực tuyến.
Chương 4: An toàn thông tin trong giao dịch thương mại điện tử. Đây là một vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo sự tin tưởng của các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại và đảm bảo sự thành công của hoạt động này.
Chương 5: Các mô hình thương mại điện tử.Trình bày ba chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử: Doanh nghiệp (B) giữ vai trò động lực phát triển TMĐT, người tiêu dùng (C) giữ vai trò quyết định sự thành công của TMĐT và chính phủ (G) giữ vai trò định hướng, điều tiết và quản lý. Từ các mối quan hệ giữa các chủ thể trên ta có các loại giao dịch TMĐT: B2B, B2C, B2G, C2G, C2C… trong đó B2B và B2C là hai loại hình giao dịch TMĐT quan trọng nhất.
Chương 6: Thanh toán trong thương mại điện tử. Số hóa và mạng hóa là tiền đề cho sự ra đời của nền kinh tế mới – kinh tế số. Việc xuất hiện mua bán hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử, Internet và các mạng viễn thông khác đó chính là thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử.
Chương 7: Marketing trực tuyến. Đây là chiến lược quảng cáo trên cộng đồng mạng nhằm thúc đẩy xúc tiến việc bán hàng, quảng bá thương hiệu dịch vụ của công ty đến với khách hàng. SEO – tối ưu hóa website cho các bộ máy tìm kiếm, Email marketing, Google adwords, SMS… là những ngôn ngữ thường gặp và đây cũng chính là hình thức marketing trực tuyến. Giáo trình Thương mại điện tử được biên soạn với mục đích để hỗ trợ cho đào tạo chuyên ngành Quản trị kinh doanh – thương mại – marketing… thuộc các trường đại học, cao đẳng khối kinh tế, các doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử và những bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Hiện nay, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin – truyền thông xuất hiện nhiều tiện ích mới để vận hành nền thương mại điện tử thế giới. Chính vì vậy, trong quá trình biên soạn tập sách này, chúng tôi không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, bổ sung của quý bạn đọc để tập sách được hoàn chỉnh hơn trong những lần tái bản sau.
Thư góp ý xin gởi về địa chỉ
- Email: hungngmd@gmail.com
- Hotline: 0938514478
- Thay mặt các tác giả
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng